ĐẠT 9 ĐIỂM MỖI MÔN VẪN RỚT NGUYỆN VỌNG 1

Nói về việc thí sinh đạt 9 điểm mỗi môn vẫn rớt nguyện vọng 1 vào trường, ông Nguyễn Đức Sơn – hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội – cho rằng đó là điều bình thường.

Những năm trước cũng có hiện tượng này nhưng chỉ là cá biệt, năm nay 9,5 – 9,6 điểm mỗi môn vẫn rớt nguyện vọng 1 trở thành “chuyện bình thường” ở không chỉ trường tốp đầu mà trường tỉnh và trường thường thường bậc trung cũng có, từ trường ở đô thị lớn đến trường tỉnh lẻ.

Với thí sinh và phụ huynh, “điều bình thường” đó quá bất thường. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng yêu thích nhất, mong muốn học nhất. Việc điểm thi cao chót vót nhưng vẫn rớt nguyện vọng 1 khiến nhiều thí sinh, phụ huynh cảm thấy bẽ bàng.

Về nguyên tắc tuyển sinh hiện nay, 9 điểm mỗi môn rớt nguyện vọng 1 là điều bình thường cũng không sai. Tuyển sinh lấy điểm từ cao xuống thấp, ai thấp điểm hơn phải chia tay cuộc đua.

Thế nhưng vấn đề đặt ra vì sao thí sinh điểm cao ngất ngưởng như vậy mà vẫn rớt nguyện vọng 1? Liệu việc tuyển sinh của các trường có thực sự bình đẳng, công bằng với tất cả thí sinh chưa?

Tự chủ giúp các trường chủ động trong xác định chỉ tiêu cũng như phương thức tuyển sinh. Nhiều phương thức, thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn. Thống kê cho thấy có đến 20 phương thức xét tuyển khác nhau, nhiều trường sử dụng 3 đến 11 phương thức xét tuyển khác nhau.

Điều này dẫn đến chỉ tiêu xét tuyển bị chia nhỏ, chỉ tiêu còn cho phương thức điểm thi tốt nghiệp còn rất ít, sự cạnh tranh quá khốc liệt. Do đó điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp – phương thức được nhiều thí sinh xét tuyển nhất – bị đẩy lên tận đọt, 29 điểm vẫn rớt nguyện vọng 1.

Không phải thí sinh nào cũng có điều kiện học và thi IELTS, SAT để xét tuyển sớm. Không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực khi các kỳ thi có phạm vi tổ chức khá hạn chế về địa điểm tổ chức.

Như vậy những thí sinh có điều kiện kinh tế, học hành nhiều, tham gia nhiều kỳ thi quốc tế sẽ có cơ hội nhiều hơn những thí sinh chỉ xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.

Điểm chuẩn các phương thức xét kết hợp IELTS, SAT thường thấp hơn chỉ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Thêm một minh chứng cho sự bất bình đẳng trong xét tuyển đại học.

Ngay cả cùng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng cách “gom chung một rổ” để xét cũng tạo ra sự không bình đẳng. Đề thi mỗi môn khó dễ, mức độ phân loại khác nhau.

Cùng một ngành xét tuyển nhiều khối nhưng trong bối cảnh điểm khối C tăng chóng mặt như năm nay, thí sinh xét tuyển các khối khác hầu như không có cửa cạnh tranh với thí sinh thi văn, sử, địa.

Với xu hướng như vậy, cần có sự điều chỉnh để các trường tạo sự công bằng cho thí sinh khi tham gia vào các phương thức xét tuyển khác nhau. Đây cũng là điểm quan trọng trong việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh năm 2025.

Những mốc thời gian quan trọng 2k6 cần lưu ý

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN TRỰC TIẾPTại đây